image banner
Hưng Đạo: Phân loại rác tại nguồn - Giải pháp xanh vì môi trường
Lượt xem: 739
Trong thời gian qua, UBND xã Hưng Đạo đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hưng Đạo giai đoạn 2022 - 2025 và tính đến năm 2030”. Nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của Mặt trận và các đoàn thể đã được thực hiện đã góp phần cải thiện tình trạng vứt rác bữa bãi, làm sạch môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch, đẹp trong đường làng, ngõ xóm và khu dân cư. 

Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế, việc phân loại rác thải tại nguồn tại các hộ chưa được người dân quan tâm như: Rác được gom hỗn hợp nhiều loại, không chú trọng phân loại rác thải tại nguồn từ đó gây áp lực trong công tác thu gom, chi phí đóng góp để vận chuyển, xử lý rác thải. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.

Anh-tin-bai

I. Về phương pháp phân loại:

Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 02 thùng rác ký hiệu riêng biệt nhằm tránh bỏ nhầm.

+ Thùng rác hữu cơ để chứa rác dễ phân huỷ (Thùng có màu xanh hoặc thùng phía ngoài vỏ thùng dán chữ hoặc ký hiệu rác hữu cơ)

+ Thùng rác vô cơ để chứa rác khó phân huỷ (Thùng có màu vàng hoặc phía ngoài vỏ thùng dán chữ hoặc ký hiệu rác vô cơ).

Lưu ý: Có thể tận dụng các đồ dùng cũ (như xô, chậu, thùng đựng sơn, thùng xốp cũ, bao tải …) làm dụng cụ lưu chứa phù hợp giúp tiết kiệm chi phí

- Đối với rác thải tái chế , tái sử dụng: Thu gom vào bao tải, túi đựng riêng để tận dụng lại hoặc cho người cần sử dụng hoặc bán phế liệu.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

II. Quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm và xử lý vi phạm liên quan đến việc phân loại rác thải theo quy định:

A.   Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân:

+ Tại điều 60 - Theo Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 đã nêu:

1. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây:

a) Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;

b) Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư;

c) Không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh;

d) Chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;

đ) Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;

e) Có công trình vệ sinh theo quy định. Trường hợp chưa có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại đô thị, khu dân cư tập trung, phải xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
 

B. Quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường:

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ - CP ngày 07/7/2022 quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ:

1. Tại Điểm c, d - khoản 2 - Điều 25 quy định: Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định …;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông ...

2. Tại Điểm a, khoản 7 - Điều 25 quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp vi phạm …

+ Tại Khoản 1 - Điều 26: Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thườngPhạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; …

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

Có thể nói, việc phân loại rác thải đã được các cấp quan tâm từ hướng dẫn thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động và có các chế tài xử lý nếu có vi phạm. Vì những lợi ích thiết thực và to lớn từ ý thức phân loại rác thải mang lại góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hãy phân loại rác tại nguồn - Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm./.

Ban biên tập

TIÊN LIÊN QUAN
 
12345678910...
BẢN ĐỒ XÃ HƯNG ĐẠO - HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập