image banner
ĐỀN LÀNG RÀO VÀ HUYỀN THOẠI VỀ THẦN THỔ ĐỊA
Lượt xem: 500
Đền Làng Rào, xã Hưng Đạo là một trong số các ngôi đền trọng điểm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Nhiều người biết và đến với đền vì sự linh thiêng được lan truyền nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự linh thiêng ấy là những câu chuyện thú vị, đầy màu sắc huyền bí về đền và cả nhân vật thờ tại đền.

Quá trình hình thành ngôi đền linh thiêng

Đền Làng Rào ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, được dân làng dựng nên ở cồn Thầy Học vào năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) thời Vua Lê Thần Tông, để tưởng nhớ công ơn chữa bệnh của vị thần Thổ Địa. Tuy nhiên, cồn có diện tích nhỏ, xung quanh toàn là đầm lầy, lau sậy, việc đi lại rất khó khăn, trong khi người tìm đến miếu ngày một đông. Bởi vậy, dân làng Rào quyết định tìm một địa điểm mới để di dời ngôi miếu thiêng. Đúng lúc này, có thầy địa lý danh tiếng (có người cho rằng đó là thầy Tả Ao) đi ngang qua, đã ghé vào thắp hương và tình cờ nghe được nguyện vọng của dân làng, thầy vui vẻ đồng ý.

Đền làng Rào

Sau khi xem xét địa hình, địa thế của làng, thầy địa lý đã chọn mảnh đất cách cồn Thầy Học 300m về phía nam (vị trí hiện nay). Theo lý giải của thầy, mảnh đất này có hình dáng như con rùa, phía trước có rào Biền Bò, phía sau có núi Mượu làm thế tựa, là mảnh đất phong thủy tốt, tụ linh, tụ thủy. Ở một khía cạnh khác, liên quan đến nhân vật thờ thì địa thế vùng này có những hình dạng mang ý nghĩa tượng trưng rất đặc biệt và gắn với nghề thuốc như phía trước là dải đất rộng tượng trưng cho vựa thuốc, bên phải là dăm Nhà Đeo (hay Đao) tượng trưng cho dao cắt thuốc, bên trái là giếng nước, tượng trưng cho bát thuốc. Như vậy, vị trí này vừa hợp phong thủy, vừa có ý nghĩa với vị thần được thờ. Chính tại đây, ngôi miếu nhỏ được nâng cấp thành ngôi đền với 2 tòa khang trang, thoáng đãng, ở ngay vị trí “đầu” con rùa, ngoảnh mặt về hướng nam. Theo quan niệm tâm linh của người phương Đông, hướng nam mang tính dương, gắn với hạnh phúc, điều thiện… “Thánh nhân nam diện nhi thánh thiên hạ” (Thánh nhân ngồi quay hướng nam để nghe lời tâu bày của thiên hạ), đó là hướng của đế vương, sau đó là hướng của thần linh khi các ngài thành vua tinh thần của quần chúng.

Trải qua mưa bom bão đạn và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, năm 1953, bái đường của đền bị hư hỏng nặng, sau đó được dỡ đi để phục vụ kháng chiến. Năm 2009, Nhân dân Làng Rào đã phục dựng lại bái đường, mở rộng thêm khuôn viên. Đến năm 2011, Nhân dân tiếp tục dựng thêm 1 nhà, tạo thành bố cục 3 tòa thượng, trung, hạ điện như hiện nay, trong đó, thượng điện chính là hậu cung nguyên gốc còn lại của đền.

Huyền thoại về thần Thổ Địa

Thờ thần Thổ Địa là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của cư dân nông nghiệp phương Đông nói chung và Nghệ An nói riêng, bởi “đối với dân chúng nông nghiệp thì đất còn có nghĩa là đất sản xuất, và thần đất ở đó tiến đến chỗ thành những thần linh bảo vệ mùa màng, cai trị đất từ cõi linh thiêng và có quyền uy”. Tuy nhiên, hiếm có nơi nào thần Thổ Địa lại được người dân địa phương khoác lên mình một lý lịch khá cụ thể và ly kỳ như ở đền Làng Rào.

Tương truyền, Thổ Địa là một vị thầy thuốc tên Nữu hiệu là Bá Tướng, Thần Thông, sinh sống vào khoảng thế kỷ XV. Ngài từng có thời gian làm quan dưới Triều Lê nhưng không hứng thú với chốn quan trường nên đã từ quan và đi khắp nơi chữa bệnh cứu người. Một lần, dân làng Rào có dịch bệnh mụn nhọt, các thầy lang trong làng đã dùng hết cách mà bệnh vẫn không khỏi, lại có nguy cơ lây lan rộng. Lúc bấy giờ, nghe tiếng về ngài, dân làng đã cử người đi mời ngài về chữa bệnh. Ngài vui vẻ nhận lời. Điều kỳ lạ là sau khi người cuối cùng khỏi bệnh thì ngài cũng biến mất. Một thời gian sau, dân làng nghe thấy tiếng đọc sách phát ra hàng đêm, đặc biệt là các đêm trăng sáng từ một cồn đất. Cho rằng, đây là nơi vị thầy thuốc, ân nhân năm xưa của làng đã hóa nên từ đó, dân làng gọi cồn đất ấy là cồn Thầy Học.

Long ngai bài vị và vị hiệu của thần Thổ Địa

Cồn nằm giữa một vùng lau sậy ngút ngàn, lại thêm sự huyền bí từ những âm thanh phát ra hàng đêm nên không ai dám đến gần. Duy có ông Lưu Đức Nhân, vốn biết chút kiến thức về thuốc, vừa lấy làm lạ, lại tò mò, đã một mình tìm đường đến cồn đất hoang và phát hiện các cây cỏ trên cồn chính là các vị thuốc được nhắc đến trong các lời đọc ấy. Ông làm theo hướng dẫn, thử chữa bệnh cho một số người trong làng, quả nhiên khỏi bệnh. Thấy vị thần linh thiêng, ông đã kêu gọi dân làng lập miếu, sau này nâng cấp thành đền để hương khói và tôn thần làm vị thần Thổ Địa của làng.

Phép thử độc đáo của Vua Khải Định

Sự linh thiêng của ngôi đền làng đã truyền đến tai vị vua nhà Nguyễn lúc bấy giờ là Khải Định. Vừa tò mò, cũng là để kiểm chứng sự linh thiêng như dân gian lan truyền, nhà vua đã cho thực hiện một phép thử: đặt một vật trong thùng, bọc kín rồi sai sứ giả và quan tri phủ mang đến đền, lệnh cho quan viên địa phương và nhân dân trong 3 ngày phải làm lễ tại đền, đoán đúng được vật ở trong thùng, nếu không, đền sẽ bị dỡ bỏ.

Tin vua truyền đến, ai nấy đều hết sức lo lắng. Ngày thứ nhất, dân làng cử cụ Hàn Em (người họ Phan) vào đền làm lễ cầu nhưng không được. Ngày thứ hai, làng lại cử ông Cửu Hanh (người họ Phan), cũng không được. Đến ngày thứ ba, dân làng đã lo lắng thực sự, mới tìm người họ Lưu, là Hương Êm và Hương Đổng ra cầu. Thật bất ngờ, vị thần đã giáng vào Hương Đổng và đọc 4 chữ “thổ, thủy, mộc, hỏa”. Mọi người hồi hộp mở chiếc thùng đựng hiện vật do vua gửi tới, đó chính là viên gạch. Và bốn từ đó để lý giải cho quá trình hình thành viên gạch: đất và nước là hai yếu tố tạo nên viên gạch thô, sau đó, sử dụng củi tạo thành lửa để nung chín gạch. Nhà vua hay tin dân làng đã nhờ thần giải được phép thử, liền ban cho vị thần một đạo sắc, phong là Thổ Địa Đức Thánh Nhà quan, Dực bảo Trung hưng Linh phù Chi thần. Cùng với việc phong sắc, nhà vua cũng ban thưởng cho những người có công đã chiếu được vật, cụ thể: ban cho đền 1 chiếc chuông (nay đã bị thất lạc), làng 100 quan tiền, cụ Hương Đổng 150 quan tiền, cụ Hương Êm 100 quan tiền, các thầy phục vụ lễ cúng hôm đó mỗi thầy 50 quan tiền,…

Hiện nay, đền Làng Rào là một trong những địa chỉ “uy tín”, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương (ở Hưng Nguyên chỉ xếp sau đền Ông Hoàng Mười) đến chiêm bái và chữa bệnh, cầu học. Đặc biệt, ngôi đền này còn nổi tiếng linh ứng về cầu tự. Sự linh ứng ấy, một mặt là “tấm vé” bảo hộ cho đền, mặt khác, nó càng làm tăng thêm sự lung linh, huyền bí của vị thần Thổ Địa – một trong những yếu tố quan trọng để níu chân du khách khi đến nơi đây tham quan, khám phá.

Lê Huy Khoa (sưu tầm)

BẢN ĐỒ XÃ HƯNG ĐẠO - HUYỆN HƯNG NGUYÊN
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập