Bà ngoại Bác Hồ có tên khai sinh là Nguyễn Thị Sàn, thường gọi là Bà Kép. Thân phụ là Nguyễn Văn Giáp. Thân mẫu cũng người họ Nguyễn, cùng làng Kẻ Sía, trước là xóm 5A và 5B, nay là xóm 5, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tại ngôi nhà thờ của hai họ Nguyễn này còn giữ được một số di sản Hán Nôm như văn bia, bài vị, đại tự và nhiều sách chữ Hán - Nôm. Đặc biệt cuốn gia phả do cụ Nguyễn Văn Giáp viết, chứa nhiều tư liệu rất có giá trị.
Nhà thờ cụ Giáp còn lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm có giá trị
Trong tác phẩm “O đi thăm cậu Thành” của nhà văn Sơn Tùng, đăng trong báo “Văn nghệ Quân đội” số tháng 5/1970, ở trang 8 có đoạn chép lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh (chị của Bác) như sau: “Năm cậu Thành lên 4 tuổi thì mẹ O đã khai tâm cho cậu ấy. Mẹ O vốn được bà ngoại khai tâm rồi mới được cha dạy cho học tới năm 15 tuổi thì nghỉ. Bà ngoại O cũng là người nhiều chữ, con cụ Tú Đụp ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Chính danh cụ là Nguyễn Văn Giáp. Nhưng cụ thi Hương tới 4 lần mà cả 4 lần đều chỉ đỗ Tú tài. Cho nên bà con đã gọi cái bằng của cụ chồng dày lớp lớp như những miếng vá chằng vá đụp. Truyền thống hiếu học đằng ngoại nhà O như vậy đó.”
Sự thực, theo gia phả do chính cụ Nguyễn Văn Giáp viết thì cụ dự thi Hương nhiều lần, có 5 lần vào đến Tam trường. Nhưng chỉ có 3 lần đậu Tú tài. Đó là các kỳ thi năm Canh Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), năm Mậu Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 11 (1858) và năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861).
Cụ Nguyễn Văn Giáp có hai người vợ. Bà cả sinh nhiều con nhưng chỉ có hai người con gái đến tuổi trưởng thành. Con gái đầu lòng tên là Nguyễn Thị Sàn, sinh tháng 8 năm Nhâm Dần (1842), lấy chồng về làng Hoàng Trù, chính là bà ngoại Bác Hồ. Một người con gái khác là Nguyễn Thị Hoan, sinh năm Canh Tuất (1850), lấy chồng trong làng, con Cử nhân Phan Hy. Bà vợ thứ sinh một con trai năm Nhâm Ngọ (1882), tên là Nguyễn Văn Thân, thi trúng Nhị trường. Nhưng do đông con, nhà nghèo đành phải từ bỏ con đường khoa cử.
Bài vị (bằng chữ Hán) của cụ Nguyễn Văn Giáp và vợ cả như sau ở nhà thờ gia đình như sau:
顯考皇朝三科秀才充本總督辦年邁曰耆阮孟公字文甲號玉齋謚敦雅府君
顯妣從夫職阮正室阮氏行一號貞順孺人
(Hiển khảo, Hoàng triều tam khoa Tú tài, sung bản tổng Đốc biện, niên mại viết kỳ, Nguyễn mạnh công tự Văn Giáp, hiệu Ngọc Trai, thụy Đôn Nhã phủ quân.
Hiển tỉ, tòng phu chức, Nguyễn chính thất, Nguyễn thị hạng nhất, hiệu Trinh Thuận nhụ nhân)
Sau khi Cụ Nguyễn Văn Giáp đậu Tú tài lần hai, dân làng gọi là cụ Tú Kép.
Người con gái đầu Nguyễn Thị Sàn đi lấy chồng mang theo tên cha là Kép. Tương truyền, khi cụ Hoàng Xuân Đường muốn gả con gái là Hoàng Thị Loan cho Nguyễn Sinh Sắc, bà Kép ngăn cản vì không “môn đăng hộ đối”. Nhưng cụ Nguyễn Văn Giáp đã khuyên nhủ con gái thuận theo quyết định đúng đắn của chồng. Từ đó hôn sự mới thành.
Gia phả chép về tổ tiên cụ Nguyễn Văn Giáp có đoạn như sau (trích dịch): “Cao tổ họ ta đi thi trúng Tứ trường. Ngài lấy vợ người họ Lưu (con ông Giám sinh) ở xã Ước Lễ, rồi sinh sống tại quê vợ, trở nên giàu có, nổi tiếng cả một vùng, một lời nói trăm người nghe. Gia đình vừa giàu có, vừa có chí làm quan, khuyến khích sự học. Vì vậy con cháu có đến 15-16 người thi đậu Tam trường, nổi tiếng là danh gia vọng tộc. Cả hai ông bà đều sống thọ.”
Ông bác của cụ Nguyễn Văn Giáp, gia phả chép: “Thứ nam Nguyễn Xuân Hích, dưới triều Lê giữ chức Ngũ kinh học chính ở Quốc Tử Giám. Đến triều Tây Sơn giữ chức Tri phủ phủ Đức Quang. Sau đó làm Tri huyện huyện La Sơn, Thanh Chương. Năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799), Hoàng đế căn cứ công lao của ông đối với nước nên truy phong cho cha ông chức Tả thị lang, tước hầu. Ông thọ 62 tuổi.”
Cụ Nguyễn Văn Giáp để lại gần 30 cuốn sách chữ Hán
Di sản Hán - Nôm cụ Nguyễn Văn Giáp để lại còn khá nhiều. Đó là sách chữ Hán gần 30 cuốn, trong đó cả sách in và sách viết tay, một bài văn bia có đầu đề “Nguyễn tộc từ đường ký” khắc trên ván gỗ tại nhà thờ nhạc phụ, một dòng đại tự khắc vào thành cái bể cạn trước sân nhà.
Trong số sách chữ Hán có nhiều cuốn sách quý. Cuốn gia phả cụ Nguyễn Văn Giáp, hiệu Ngọc trai viết, ngoài những ghi chép theo thế thứ của tổ tiên còn thêm phần “Ngọc trai niên phổ” ghi chép những sự kiện quan trọng của bản thân, gia đình và quê hương đất nước, theo từng năm, liên tục trong 60 năm, từ 1826 đến năm 1885. Xin trích một số đoạn trong cuốn gia phả đó:
“Tôi sinh giờ Thân, ngày 14 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Lúc đó cha tôi đã 44 tuổi. Mẹ tôi đã 41 tuổi…
Năm Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mệnh thứ 13, tôi lên 7 tuổi. Vâng lời cha, tôi sang học với thầy họ Nguyễn. Thầy đã từng đi thi huyện, thi tỉnh đều trúng giải ưu. Tên chữ của thầy là Nhật Tiến, cùng thời với các ông Nguyễn Trọng Tân- đậu Cử nhân năm Canh Tý, và ông Hồ Sỹ Hiếu- đậu 5 khoa Tú tài, đều là những người có tiếng học giỏi…
Năm Nhâm Dần, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, tôi đã 17 tuổi. ngày 14 tháng 2 mẹ tôi bị bệnh nặng, uống thuốc không khỏi và đã từ trần, cả nhà thương tiếc. Linh cữu mai táng ở xứ Nhà Cũng, sau đó cải táng ở xứ Đồng Na, nơi ruộng ông Nguyễn Nghị. Tháng 5 năm ấy được mùa, nhân dân no đủ. Tháng 8 sinh con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Sàn (阮氏孱)(1). Năm ấy bão to, nhà dân đổ nát nhiều, may mà nhà tôi không can gì…
Năm Ất Mão, niên hiệu Tự Đức thứ 8, thi vào mùa thu. Tôi không thi vì còn chịu tang. Kỳ thi này có sửa đổi. Vào Đệ nhất làm “chế, nghĩa”. Vào Đệ nhị làm “văn sách”. Vào Đệ tam làm “chiếu, biểu”. Trúng Tam trường là Tú tài. Vào Đệ tứ làm “thơ, phú”. Trúng Tứ trường là Cử nhân. Kỳ thi này ông Nguyễn Khiêm lại đậu Tú tài. Ông Nguyễn Trị người trong xã cũng đậu Tú tài. Người ta nói rằng đất văn, trong ngoài đều phát…
Năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14, tôi đã 36 tuổi. Kỳ thi vào mùa thu, tôi lại trúng Tú tài (lần 3 - Tg). Trong làng có ông họ Phạm cũng đậu Tú tài. Người ta nói trong ngoài đều phát, quả là đúng vậy! Hồi ấy bọn tả đạo muốn làm loạn, Triều đình lo lắng. Quan huyện được lệnh điều binh dẹp loạn. Tháng 9 năm ấy lụt to, mùa màng mất hết. Trong nhà tôi nước ngập 2 thước…
Năm Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên, quân Pháp đánh thành Phú Xuân. Nhà Vua bỏ thành chạy ra Sơn Phòng, Hà Tĩnh, hô hào thân hào khởi nghĩa. Quan Đại thần Thám hoa Phan Đình Phùng, nguyên Thượng thư, nguyên Tuần phủ Hưng
Yên, chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống Pháp. Sau khi bị quân Pháp đánh bại, nhà cửa, của cải, trâu ngựa, đều bị quân Pháp cướp phá hết. Mồ mả cũng bị chúng phá sạch”. (hết trích).
Chiếc bể cạn còn lưu dấu tích dòng chữ cụ Nguyễn Văn Giáp khắc
Cụ Nguyễn Văn Giáp mất vào giờ Mão, ngày 24 tháng 8 năm Tân Mão (1891), hưởng thọ 66 tuổi. Hiện nay có chiếc bể cạn đặt trước sân nhà thờ, trên thành bể còn 4 đại tự do cụ Nguyễn Văn Giáp viết như sau: 不在水深 (thủy bất tại thâm). Đây là cụm từ trích trong bài thơ nổi tiếng của Lưu Vũ Tích, đời nhà Đường, trong bài 陋室銘 (lậu thất minh), nghĩa là Bài minh về ngôi nhà nhỏ. Hai câu mở đầu như sau: 山不在高有仙必名. 水不在深有龍必靈
(Sơn bất tại cao hữu tiên tất danh. Thủy bất tại thâm hữu long tất linh).
Nghĩa là: Núi không tại cao có tiên thì nổi danh. Nước không tại sâu có rồng thì hóa thiêng (2). Ẩn ý của hai câu thơ trên là, con người ta bất kể danh vị cao hay thấp, bất kể phú hay bần, nếu được nhân dân kính phục thì sẽ nổi danh. Đây chắc là phương châm sống thanh đạm của cụ.
Nhạc phụ cụ Nguyễn Văn Giáp cũng họ Nguyễn. Họ Nguyễn này cũng một thời nổi tiếng giàu sang. Ngôi mộ Tổ được táng theo cách trong quan ngoài quách. Thời kỳ quy tập mộ về nghĩa trang chung của làng, con cháu khai quật lên thấy cách khâm lượm khác người bình thường, thi hài được quấn nhiều lớp lụa, chưa phân hủy hết. Quan tài dày và còn nguyên vẹn, có người đoán đó là gỗ ngọc am. Tuy nhiên do con cháu không biết chữ Hán, lại không biết gìn giữ nên tất cả di sản Hán Nôm liên quan đến dòng họ đều mất sạch. Ngôi nhà thờ chính của họ
Nguyễn bằng gạch ngói đã bị tháo dỡ. Nay còn nhà thờ chi thứ, lợp ngói âm dương, thưng ván, làm từ năm 1877. Trong nhà thờ này có bài văn bia khắc trên ván gỗ, do con rể là cụ Nguyễn Văn Giáp viết, còn nguyên vẹn. Văn bia đó có tiêu đề 阮族祠堂記 (Nguyễn tộc từ đường ký). Toàn bài văn bia có gần 800 chữ, nội dung thuật lại việc các con góp tiền của và công sức làm nhà thờ để báo hiếu cha mẹ. Ở phía dưới văn bia ghi tên tác giả như sau: 充都安總督辦秀才阮文甲奉撰 (Sung Đô Yên tổng Đốc biện Tú tài Nguyễn Văn Giáp phụng soạn)
Tóm lại, thân phụ và thân mẫu bà ngoại Bác Hồ đều xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học. Bà ngoại Bác là con đầu lòng, có lẽ được cha quan tâm dạy chữ nên mới trở thành người nhiều chữ như nhà văn Sơn Tùng đã viết.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An tháng 7 năm 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về trao quà cho gia đình người có công ở một số địa phương, trong đó có xã Hưng Đạo. Trong buổi nói chuyện với cán bộ xã, bà Phó Chủ tịch đã nhắc đến di tích cố ngoại Bác Hồ ở xóm 5 xã Hưng Đạo và trao tiền công đức 10 triệu đồng để góp phần tôn tạo di tích. Rất tiếc đến nay việc xét công nhận Di tích lịch sử này vẫn còn nhiều vướng mắc, từ đó việc tôn tạo chưa tiến hành được, nguy cơ trở thành phế tích đang hiện hữu. Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần làm hết sức mình, có biện pháp bảo tồn và tôn tạo một di tích từng gắn với ký ức của nhiều người trong gia đình Bác .
Bài viết trích trong cuốn sách Trầm tích văn hóa Hưng Nguyên của Nhà nghiên cứu Hán Nôm Thái Huy Bích biên soạn
(1) Trích gia phả do cụ Giáp viết về việc sinh con gái đầu lòng tên là Sàn. Có tài liệu viết tên bà là Nguyễn Thị Nhụy, là do nhầm lẫn.
(2 ) Dịch nguyên văn: “BÀI MINH VỀ NGÔI NHÀ NHỎ
Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh,
Nước không tại sâu, có rồng thì hóa thiêng.
Đây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho,
Ngàn rêu biếc leo thềm, sắc cỏ xanh chiếu rèm
Cười nói có đại nho, đi lại vắng bạch đinh
Có thể gẩy đàn mọc mạc, đọc kim kinh.
Không ti trúc loạn tai, không giấy tờ thư trát nhọc thân mình
Thảo lư Gia Cát Lượng ở Nam Dương
Nhà mát của Tử Vân ở Tây Thục
Khổng Tử từng nói: Có gì mà quê mùa.”