Hưng Đạo: Phân loại rác thải tại nguồn – Việc làm tất yếu vì tương lai
Trong thời gian qua, UBND xã Hưng Đạo đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Hưng Đạo giai đoạn 2022 - 2025 và tính đến năm 2030”. Nhiều hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đang quyết liệt đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế, việc phân loại rác thải tại nguồn tại các hộ chưa được người dân quan tâm như: Rác được gom hỗn hợp nhiều loại, rác thải nguy hại không được gom riêng, không chú trọng phân loại rác thải tại nguồn từ đó gây áp lực trong công tác thu gom, chi phí đóng góp để vận chuyển, xử lý rác thải. Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
Ngày 30/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2024.
Tại Điều 4. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt đã quy định cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt bao gồm:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
- Chất thải thực phẩm;
- Chất thải rắn sinh hoạt khác: Bao gồm chất thải rắn cồng kềnh, chất thải nguy hại, chất thải khác còn lại.
Mỗi hộ gia đình cần trang bị ít nhất 04 thùng rác ký hiệu riêng biệt nhằm tránh bỏ nhầm.
Còn hơn 1 tháng nữa, quy định xử phạt hành chính về hành vi không phân loại rác sinh hoạt (RSH) tại nguồn sẽ có hiệu lực.
Tại điều 79 - Luật Bảo vệ môi trường quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ - CP ngày 07/7/2022 quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ:
1. Tại khoản 1 - Điều 26 quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
2. Tại Điểm c, d - khoản 2 - Điều 25 quy định: Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định …;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông ...
3. Tại Điểm a, khoản 7 - Điều 25: Quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp vi phạm …
Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những hành động cơ bản nhất, đơn giản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường.
Việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.
Có thể nói, việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Nếu các gia đình luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn.
Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm./.
Nguyễn Ngà